10 Lời khuyên cho những ai muốn thiết kế board game (Part 1)

0 comments / Posted on by BGV Company

Bạn thích chơi board game và bạn nghĩ rằng đã đến lúc để tạo ra 1 board game của riêng bạn. Hoặc đơn giản là bạn cảm thấy tựa game yêu thích của bạn có lẽ sẽ hay hơn nếu như thế này thế nọ, và thế là bạn quyết định tạo ra một cái mới hay hơn !!!

Có lẽ rất nhiều người đã từng có những suy nghĩ như vậy khi chơi game, mình cũng đã từng như vậy. Và dưới đây là 10 lời khuyên mà mình tổng hợp được thông qua những bài viết và kinh nghiệm mà mình tổng hợp được:
10. Chơi thật nhiều Board Game

Và đừng có chơi 1 game quá nhiều lần hoặc chỉ chơi những game trong 1 thể loại. Mình đã từng gặp rất nhiều bạn cảm thấy bất ngờ khi biết rằng có những game khác ngoài Monopoly (Cờ tỷ phú), Uno…

Giống như Video game, Board game cũng được chia thành rất nhiều thể loại, cơ chế và bối cảnh khác nhau. Và càng tiếp xúc, bạn sẽ càng phát hiện thêm nhiều ý tưởng, nhiều góc độ, nhiều cách để kết hợp với trò chơi của bạn hơn, thậm chí bạn có thể tạo ra một cái gì đó chưa từng có.

Việc tìm hiểu về board game cũng giúp cho trò chơi của bạn không bị trùng lặp ý tưởng hoặc không tốt bằng những game khác. Bởi vì đã có nhiều trường hợp các bạn nghĩ rằng game của mình là độc nhất, chưa từng có nhưng trên thế giới lại có những game tương tự, thậm chí là tốt hơn.
Ngoài ra,  nếu bạn có mang ý tưởng tới cho nhà phát hành, hiển nhiên bạn sẽ được tin tưởng hơn nếu bạn đã chơi rất nhiều game so với 1 người chỉ biết tới mỗi Cờ Tỷ Phú.

Ngoài Monopoly, còn có hàng trăm ngàn trò chơi khác trên thế giới.

Một gợi ý nhỏ là các bạn nên tham khảo qua website boardgamegeek.com. Đây là một thư viện đồ sồ về board game trên thế giới, bạn có thể tra cứu thông tin về các game khác nhau. Ngoài ra, có rất nhiều nhà thiết kế thực hiện những buổi test game ở trên đây, bạn có thể tham gia để hiểu rõ hơn về quá trình thiết kế game cũng như xin ý kiến của những người có kinh nghiệm.

9. Làm vì niềm vui, đừng làm vì tiền hay sự nổi tiếng.

Board game là 1 ngành công nghiệp của việc vui chơi giải trí, vậy nên đừng biến nó trở thành một công việc quá nghiêm túc. Đây là một công việc đam mê, nếu bạn không cảm thấy hứng thú hoặc niềm vui khi thiết kế 1 trò chơi, thì tốt nhất bạn đừng nên làm nữa.

Nếu bạn thiết kế board game vì tiền thì bạn chọn nhầm nghề rồi.

Hầu hết những nhà thiết kế board game trên thế giới đều là part-time, chỉ có một số rất rất ít người thực sự là full time trong công việc này. Đừng chỉ làm 1,2 game và nghĩ rằng bạn sẽ sống đủ mấy năm tới. Các designer nổi tiếng đã làm và sản xuất cả chục board game khác nhau, thậm chí có những game tốn đến tận mấy năm trời nhưng vẫn không kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, bạn chỉ nên thiết kế board game vì bạn yêu thích công việc này, đừng làm vì những lý do khác.

8. Hãy viết luật chơi ra giấy

Một số bạn có thể nghĩ rằng game của họ đơn giản và dễ hiểu, chỉ cần nói sơ là ổn rồi, nhưng khi viết ra giấy, bạn sẽ thấy rằng nó phức tạp hơn rất nhiều. Có quá nhiều tiểu tiết, luật chơi không sắp xếp theo trình tự, có những lỗ hổng mà trước giờ không nhận ra… Đây là những lỗi thường gặp khi các bạn làm game nhưng tất cả đều nằm trong đầu của bạn. Việc viết ra sẽ giúp bạn nhìn mọi thứ trực quan hơn và giúp bạn cải thiện những điểm yếu cũng như loại bỏ đi những yếu tố dư thừa.


Viết luật chơi ra giấy giúp bạn nhìn tổng quan mọi việc

Không những vậy, khi bạn viết luật ra, hãy đưa cho người khác đọc và chơi thử. Nếu người đó có thể chơi được hoặc hiểu được cốt lõi của trò chơi, xin chúc mừng, bạn đang làm rất tốt đấy. Nhưng nếu người đó không hiểu nổi hoặc mỗi lần chơi game đều phải có bạn hướng dẫn thì tin buồn là, cho dù game của bạn hay đến mức nào, nếu nó không thể chơi khi không có bạn thì nó sẽ không thể phát hành được đâu.

7. Xác định rõ bức tranh tổng quát

Trước khi đi vào chi tiết, hãy xác định rõ bạn muốn điều gì trong trò chơi của bạn. Có được một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tiến đến đích nhanh hơn. Đừng cứ cắm đầu vào làm và hi vọng rằng nó sẽ được yêu thích. Hãy xác định rõ những yếu tố như:

  • Bối cảnh của game là gì ? Thần thoại, máy móc hoặc có thể là trừu tượng…
  • Nên sử dụng cơ chế nào ? Đổ xí ngầu, chiếm lãnh thổ, xây dựng…
  • Bạn muốn mang lại cảm xúc gì cho người chơi ? Sự căng thẳng khi đưa ra quyết định, niềm vui với những thứ ngẫu nhiên trong game hay là sự bực bội khi bị người khác lừa lọc, cảm thấy thông minh hơn sau mỗi lần chơi...
  • Nó sẽ là một game sử dụng thẻ bài kiếm điểm hay game chiến đầu bằng các quân cờ ? Hoặc thậm chí là kết hợp với ứng dụng trên điện thoại ?

Hiểu rõ những gì bạn muốn có trong trò chơi của mình và trong quá trình phát triển, nếu bạn phân vân giữa các lựa chọn, những mục tiêu ban đầu này sẽ là tiêu chí phù hợp để giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn một game đơn giản, nhẹ nhàng dành cho gia đình, việc sử dụng những thẻ bài, xí ngầu có lẽ sẽ phù hợp hơn là một bản đồ hoành tráng với các mô hình chi tiết.

6. Đừng biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật

Hình ảnh trong game là một yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng đó không phải là điều để bạn quan tâm tới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Hình ảnh sẽ thu hút người khác mua game của bạn, nhưng hệ thống chơi mới là thứ khiến họ yêu thích và sẵn sàng giới thiệu cho nhiều người khác.

Có rất nhiều bạn mắc một sai lầm vô cùng nghiêm trọng đó là dành ra quá nhiều thời gian để đầu tư vào hình ảnh nhưng lại bỏ lơ cách chơi, và kết quả trò chơi của bạn chỉ dùng để ngắm và không thể nào chơi được.

Hãy nhớ, bạn đang thiết kế board game, không phải nghệ thuật. Hầu hết các designer trên thế giới đều bỏ qua yếu tổ này, bởi nhà phát hành thường sẽ là người quyết định hình ảnh của trò chơi nên như thế nào. Nhà phát hành là những người hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng hơn bạn rất nhiều lần, hãy để họ quyết định phần thiết kế hình ảnh và tập trung vào việc phát triển luật chơi của bạn.



0 comments

Leave a comment

All blog comments are checked prior to publishing