• 10 Lời khuyên cho những ai muốn thiết kế board game (Part 2)

    0 comments / Posted on by Nguyễn Lan

    Bạn thích chơi board game và bạn nghĩ rằng đã đến lúc để tạo ra 1 board game của riêng bạn. Hoặc đơn giản là bạn cảm thấy tựa game yêu thích của bạn có lẽ sẽ hay hơn nếu như thế này thế nọ, và thế là bạn quyết định tạo ra một cái mới hay hơn !!!

    Có lẽ rất nhiều người đã từng có những suy nghĩ như vậy khi chơi game, mình cũng đã từng như vậy. Và dưới đây là 10 lời khuyên mà mình tổng hợp được thông qua những bài viết và kinh nghiệm mà mình tổng hợp được:

    Nếu bạn nào muốn xem lại bài viết trước, có thể bấm vào đường link dưới đây:

    Còn bây giờ, mình sẽ tiếp tục đưa ra 5 lời khuyên dành cho những ai muốn thiết kế board game.


    5. Đừng quá tập trung vào 1 game

    Việc này có thể hơi khó khăn, nhưng đôi khi, nếu bạn cảm thấy “bí ý tưởng” hoặc không biết nên làm gì tiếp theo, có thể bạn nên bắt đầu thiết kế 1 game khác. Việc này không có nghĩa rằng bạn sẽ hoàn toàn bỏ qua ý tưởng ban đầu. Nhưng đôi khi, khi bạn tập trung vào giải quyết 1 vấn đề khác, bạn lại tìm thấy hướng giải quyết cho vấn đề ban đầu.

    Không phải tất cả những ý tưởng của bạn đều phải thành công, nhưng khi bạn thực hiện nhiều ý tưởng cùng lúc, bạn sẽ nhận ra được ưu và nhược điểm của từng cái, và biết đâu, bạn có thể kết hợp các ý tưởng lại với nhau để tạo ra một cái mới hay hơn.

    Một trong những vấn đề mình thường thấy ở các bạn trẻ đó chính là họ quá tham trong việc thiết kế. Họ muốn đưa tất cả những ý tưởng hay ho, tốt nhất của họ vào trong cùng 1 trò chơi. Việc này sẽ khiến trò chơi trở nên phức tạp hơn và khi kết hợp nhiều thứ tốt, đôi khi lại tạo ra một thứ tệ. Hãy tách ra, phát triển 1 trò chơi riêng cho từng ý tưởng, và trong quá trình đó, có thể bạn sẽ biết cách kết hợp nó lại nhưng vẫn giữ được cái hay của trò chơi.

    4. Tạo mối liên kết giữa bối cảnh và luật chơi

    Nếu trò chơi của bạn có bối cảnh, hãy đảm bảo rằng bối cảnh đó phù hợp với lối chơi. Mình đã từng thấy có những trò chơi có bối cảnh thu hút, luật chơi rất hay nhưng khi kết hợp 2 thứ đó thì lại chẳng ăn nhập gì với nhau. Việc này sẽ khiến cho trải nghiệm chơi trở nên kì lạ, khi người chơi cứ liên tục đưa ra câu hỏi “Tại sao lại như vậy ? Hành động này liên quan gì?”.


    Bối cảnh và luật chơi trong game of throne


    A Game of Thrones là một ví dụ về sự kết hợp hài hòa giữa cách chơi và bối cảnh

    Ngoài ra, nếu bạn tạo được sự liên kết giữa bối cảnh và luật chơi, việc hướng dẫn cho người mới cũng sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Bởi bối cảnh là thứ mà người chơi quen thuộc, là thứ mà họ có thể tưởng tượng ra được trong đầu, giúp họ logic hóa mọi thứ và dễ dàng nhớ luật chơi. Nếu bạn dự tính thiết kế một trò chơi với luật chơi phức tạp, hãy tìm một bối cảnh phù hợp, vì nếu không, sẽ chẳng ai nhớ nổi luật chơi của bạn đâu.

    3. Khó thắng, nhưng luôn có cách

    Một trò chơi hay là trò chơi có thể tạo cho người chơi cảm giác rằng họ luôn có cách để chiến thắng. Việc chiến thắng khi mà mọi thứ tưởng chừng như không thể, đó là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất khi chơi game, mà tất cả nhà thiết kế game nào cũng đều muốn tái hiện lại trong trò chơi của mình.

    Tạo động lực cho người chơi

    Đừng khiến người chơi nghĩ rằng họ sẽ thua ngay từ đầu

    Liệu bạn có sẵn sàng chơi tiếp hay không khi nghĩ rằng bạn chắc chắn sẽ thua nhưng ván chơi còn lâu mới kết thúc ? Trừ khi bạn chơi không phải để thắng, còn không, hầu hết mọi người đều sẽ nghỉ game ngay khoảng khắc họ nhận ra họ không còn cách nào để chiến thắng. Đặc biệt khi trò chơi của bạn có thời gian kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, nếu ngay từ đầu họ đã cảm thấy rằng họ sẽ thua, khả năng cao là họ sẽ không bao giờ chơi lại trò đó nữa.

    2. Cho người chơi cảm giác kiểm soát.

    Nếu trò chơi của bạn mang tính chiến thuật, hãy để người chơi cảm nhận rằng tất cả mọi thứ diễn ra đều có thể tác động tới. Bởi chẳng ai muốn chơi một trò chơi chiến thuật nhưng rồi khi sắp thắng, mọi thứ thay đổi chỉ vì 1 sự kiện ngẫu nhiên nào đó trong trò chơi. Nếu họ là 1 người chơi hay, họ sẽ nghĩ rằng game không công bằng, còn nếu họ là 1 người chơi tệ nhưng vẫn thắng, trò chơi của bạn đã trở thành 1 trò chơi may rùi. Và tất nhiên, chẳng ai muốn người chơi có suy nghĩ như vậy.

    Kiểm soát sự may mắn khi tạo game


    Kiểm soát sự “may mắn” trong trò chơi

    Nếu trò chơi của bạn có sử dụng yếu tố may mắn, hãy cố gắng “cân bằng” sự may mắn đó. Ví dụ một ai đó gặp may và được nhiều lợi thế trong trò chơi, hay tạo cơ hội cho những người chơi khác ngăn chặn hoặc có được những lợi thế khác. Bởi vì khi 1 người chơi có được lợi thế hơn những người khác bằng may mắn và không có cách nào để ngăn chặn, việc này sẽ vô tình khiến những người còn lại ghét trò chơi của bạn.


    1. Chơi thử, chơi thử và chơi thử

    Đây có lẽ là điều quan trọng nhất trong suốt quá trình thiết kế game của bạn. Đừng tự tạo ra 1 trò chơi rồi nghĩ rằng nó hay khi chưa có 1 ai chơi ngoại trừ bạn. Những lời khuyên từ những người chơi thử chính là thứ quan trọng nhất giúp bạn hiểu được những gì trò chơi của bạn mang lại cho người khác.

    Và đừng chỉ chơi thử với bạn bè hoặc gia đình của bạn. Hãy mang đi chơi thử tới càng nhiều người càng tốt, đặc biệt là những người lạ, bởi họ sẽ đưa ra những lời nhận xét chủ quan nhất. Hãy để họ tự đọc luật và tự chơi trò chơi của bạn, những câu hỏi và cảm xúc trong quá trình đọc luật và chơi của họ sẽ giúp bạn nhận ra nhiều thứ mà trước đó bạn không hề để ý tới.

    Chơi thử nhiều lần


    Test game là giai đoạn không thể thiếu trong việc thiết kế

    Tuy nhiên, đừng lắng nghe tất cả mọi người. Bởi không phải ai cũng sẽ phù hợp với trò chơi của bạn. Hãy tìm cho mình bức tranh chân dung của đối tượng mà trò chơi của bạn nhắm tới, ý kiến của nhóm người này sẽ quan trọng hơn hết. Đừng cố gắng làm hài lòng tất cả người chơi, bởi bạn không thể nào tạo ra 1 trò chơi bối cảnh chiến tranh và mong rằng các bậc phụ huynh hoặc con cái sẽ chơi chung với nhau; hoặc thiết kế 1 trò chơi đơn giản vui nhộn nhưng nghĩ rằng những người thích chiến thuật sẽ thích.

    Và trên đây là 10 lời khuyên dành cho những ai muốn bắt tay vào việc thiết kế board game. Hãy nhớ, bạn thiết kế để bạn và những người khác có thể chơi và vui vẻ, vì vậy đừng biến việc thiết kế game trở thành một công việc đau khổ. Hãy tận hưởng quá trình làm nên trò chơi của riêng bạn!!!

    ***Bài viết có tham khảo các nguồn sau đây:
    - Bài viết How to make a board game: https://thecreativeindependent.com/guides/how-to-make-an-indie-tabletop-game/

    - Video Clip 10 step to design a board game: https://www.youtube.com/watch?reload=9&v=SUZjn6m_Qvs

    - Bài viết 5 Tips on How to make a board game:
    http://makeboardgame.com/5-tips-on-how-to-make-a-board-g
    ame/

    Xem thêm

  • 10 Lời khuyên cho những ai muốn thiết kế board game (Part 1)

    0 comments / Posted on by BGV Company

    Bạn thích chơi board game và bạn nghĩ rằng đã đến lúc để tạo ra 1 board game của riêng bạn. Hoặc đơn giản là bạn cảm thấy tựa game yêu thích của bạn có lẽ sẽ hay hơn nếu như thế này thế nọ, và thế là bạn quyết định tạo ra một cái mới hay hơn !!!

    Có lẽ rất nhiều người đã từng có những suy nghĩ như vậy khi chơi game, mình cũng đã từng như vậy. Và dưới đây là 10 lời khuyên mà mình tổng hợp được thông qua những bài viết và kinh nghiệm mà mình tổng hợp được:
    10. Chơi thật nhiều Board Game

    Và đừng có chơi 1 game quá nhiều lần hoặc chỉ chơi những game trong 1 thể loại. Mình đã từng gặp rất nhiều bạn cảm thấy bất ngờ khi biết rằng có những game khác ngoài Monopoly (Cờ tỷ phú), Uno…

    Giống như Video game, Board game cũng được chia thành rất nhiều thể loại, cơ chế và bối cảnh khác nhau. Và càng tiếp xúc, bạn sẽ càng phát hiện thêm nhiều ý tưởng, nhiều góc độ, nhiều cách để kết hợp với trò chơi của bạn hơn, thậm chí bạn có thể tạo ra một cái gì đó chưa từng có.

    Việc tìm hiểu về board game cũng giúp cho trò chơi của bạn không bị trùng lặp ý tưởng hoặc không tốt bằng những game khác. Bởi vì đã có nhiều trường hợp các bạn nghĩ rằng game của mình là độc nhất, chưa từng có nhưng trên thế giới lại có những game tương tự, thậm chí là tốt hơn.
    Ngoài ra,  nếu bạn có mang ý tưởng tới cho nhà phát hành, hiển nhiên bạn sẽ được tin tưởng hơn nếu bạn đã chơi rất nhiều game so với 1 người chỉ biết tới mỗi Cờ Tỷ Phú.

    Ngoài Monopoly, còn có hàng trăm ngàn trò chơi khác trên thế giới.

    Một gợi ý nhỏ là các bạn nên tham khảo qua website boardgamegeek.com. Đây là một thư viện đồ sồ về board game trên thế giới, bạn có thể tra cứu thông tin về các game khác nhau. Ngoài ra, có rất nhiều nhà thiết kế thực hiện những buổi test game ở trên đây, bạn có thể tham gia để hiểu rõ hơn về quá trình thiết kế game cũng như xin ý kiến của những người có kinh nghiệm.

    9. Làm vì niềm vui, đừng làm vì tiền hay sự nổi tiếng.

    Board game là 1 ngành công nghiệp của việc vui chơi giải trí, vậy nên đừng biến nó trở thành một công việc quá nghiêm túc. Đây là một công việc đam mê, nếu bạn không cảm thấy hứng thú hoặc niềm vui khi thiết kế 1 trò chơi, thì tốt nhất bạn đừng nên làm nữa.

    Nếu bạn thiết kế board game vì tiền thì bạn chọn nhầm nghề rồi.

    Hầu hết những nhà thiết kế board game trên thế giới đều là part-time, chỉ có một số rất rất ít người thực sự là full time trong công việc này. Đừng chỉ làm 1,2 game và nghĩ rằng bạn sẽ sống đủ mấy năm tới. Các designer nổi tiếng đã làm và sản xuất cả chục board game khác nhau, thậm chí có những game tốn đến tận mấy năm trời nhưng vẫn không kiếm được nhiều tiền. Vì vậy, bạn chỉ nên thiết kế board game vì bạn yêu thích công việc này, đừng làm vì những lý do khác.

    8. Hãy viết luật chơi ra giấy

    Một số bạn có thể nghĩ rằng game của họ đơn giản và dễ hiểu, chỉ cần nói sơ là ổn rồi, nhưng khi viết ra giấy, bạn sẽ thấy rằng nó phức tạp hơn rất nhiều. Có quá nhiều tiểu tiết, luật chơi không sắp xếp theo trình tự, có những lỗ hổng mà trước giờ không nhận ra… Đây là những lỗi thường gặp khi các bạn làm game nhưng tất cả đều nằm trong đầu của bạn. Việc viết ra sẽ giúp bạn nhìn mọi thứ trực quan hơn và giúp bạn cải thiện những điểm yếu cũng như loại bỏ đi những yếu tố dư thừa.


    Viết luật chơi ra giấy giúp bạn nhìn tổng quan mọi việc

    Không những vậy, khi bạn viết luật ra, hãy đưa cho người khác đọc và chơi thử. Nếu người đó có thể chơi được hoặc hiểu được cốt lõi của trò chơi, xin chúc mừng, bạn đang làm rất tốt đấy. Nhưng nếu người đó không hiểu nổi hoặc mỗi lần chơi game đều phải có bạn hướng dẫn thì tin buồn là, cho dù game của bạn hay đến mức nào, nếu nó không thể chơi khi không có bạn thì nó sẽ không thể phát hành được đâu.

    7. Xác định rõ bức tranh tổng quát

    Trước khi đi vào chi tiết, hãy xác định rõ bạn muốn điều gì trong trò chơi của bạn. Có được một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn tiến đến đích nhanh hơn. Đừng cứ cắm đầu vào làm và hi vọng rằng nó sẽ được yêu thích. Hãy xác định rõ những yếu tố như:

    • Bối cảnh của game là gì ? Thần thoại, máy móc hoặc có thể là trừu tượng…
    • Nên sử dụng cơ chế nào ? Đổ xí ngầu, chiếm lãnh thổ, xây dựng…
    • Bạn muốn mang lại cảm xúc gì cho người chơi ? Sự căng thẳng khi đưa ra quyết định, niềm vui với những thứ ngẫu nhiên trong game hay là sự bực bội khi bị người khác lừa lọc, cảm thấy thông minh hơn sau mỗi lần chơi...
    • Nó sẽ là một game sử dụng thẻ bài kiếm điểm hay game chiến đầu bằng các quân cờ ? Hoặc thậm chí là kết hợp với ứng dụng trên điện thoại ?

    Hiểu rõ những gì bạn muốn có trong trò chơi của mình và trong quá trình phát triển, nếu bạn phân vân giữa các lựa chọn, những mục tiêu ban đầu này sẽ là tiêu chí phù hợp để giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn một game đơn giản, nhẹ nhàng dành cho gia đình, việc sử dụng những thẻ bài, xí ngầu có lẽ sẽ phù hợp hơn là một bản đồ hoành tráng với các mô hình chi tiết.

    6. Đừng biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật

    Hình ảnh trong game là một yếu tố vô cùng quan trọng, nhưng đó không phải là điều để bạn quan tâm tới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Hình ảnh sẽ thu hút người khác mua game của bạn, nhưng hệ thống chơi mới là thứ khiến họ yêu thích và sẵn sàng giới thiệu cho nhiều người khác.

    Có rất nhiều bạn mắc một sai lầm vô cùng nghiêm trọng đó là dành ra quá nhiều thời gian để đầu tư vào hình ảnh nhưng lại bỏ lơ cách chơi, và kết quả trò chơi của bạn chỉ dùng để ngắm và không thể nào chơi được.

    Hãy nhớ, bạn đang thiết kế board game, không phải nghệ thuật. Hầu hết các designer trên thế giới đều bỏ qua yếu tổ này, bởi nhà phát hành thường sẽ là người quyết định hình ảnh của trò chơi nên như thế nào. Nhà phát hành là những người hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng hơn bạn rất nhiều lần, hãy để họ quyết định phần thiết kế hình ảnh và tập trung vào việc phát triển luật chơi của bạn.



    Xem thêm