A Game of Thrones boardgame chiến thuật kinh điển.

Posted on by BGV Company

Ăn theo tựa truyện và sery phim truyền hình đình đám của HBO, A Game of Thrones – The board game được hãng game Fantasy Flight Games tung ra từ năm 2011 và ngay lập tức trở thành tựa game chiến thuật kinh điển.


Got tiếp tục đứng vững trong top 50 board game toàn thế giới cho đến nay (theo xếp hạng của boardgamegeek). Boardgame HUB sẽ cùng các bạn tìm hiểu lý do tại sao A Game of Thrones được mệnh danh là game chiến thuật và thương lượng đàm phán đỉnh cao, vì sao A Game of Thrones có khả năng hủy hoại tình bạn và chia rẽ tình yêu đến như vậy?

Tổng quan – Cốt truyện
Trong GoT, 3 đến 6 người chơi sẽ đại diện cho các gia tộc theo cốt truyện của vùng đất Westeros (Greyjoy, Lannister, Stark, Baratheon, Tyrell, Martell…) và cùng tranh giành quyền lực để có thể trở thành người ngồi lên ngai vàng “Iron Throne”. Với dân ghiền truyện và sery phim, đây chắc chắn là tựa board game không thể bỏ qua. Tuy nhiên, đối với các bạn chưa hề biết về A Game of Thrones cũng không phải là vấn đề vì gameplay của A Game of Thrones đã hoàn toàn thành công trong việc truyền tải lại sự khốc liệt của cuộc chiến tại Westeros; trong đó ngoài chiến thuật quân sự, người chơi sẽ cần nhiều thứ hơn nữa để thắng được game.

Luật chơi


Luật chơi A Game of Thrones tương đối nặng đối với các bạn mới biết về board game nhưng với các board gamer đã chơi qua vài board game cơ bản như Ticket to Ride, Power Grid, Catan … thì A Game of Thrones sẽ đưa bạn lên một level hoàn toàn mới về tư duy game chiến thuật.
Trong A Game of Thrones, người chơi sẽ điều khiển đội quân bao gồm các tướng lĩnh (house card), lính bộ, hiệp sĩ, tàu bè và vũ khí công thành. Mỗi người chơi sẽ có thêm 1 bộ 15 lệnh để điều khiển đội quân của mình.
Mỗi lượt chơi được chia làm 3 giai đoạn (phase):
Giai đoạn Westeros: Lật bài Westeros và giải quyết các vấn đề chung của cả vùng Westeros, ảnh hướng đến toàn bộ người chơi.
Giai đoạn lên kế hoạch: Các người chơi bí mật đặt úp các lệnh của mình lên bản đồ. Đây cũng là giai đoạn các người chơi sẽ phải giao hảo, thương lượng nhằm tìm kiếm đồng minh và tập trung sức mạnh. Theo đánh giá, đây chính là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của giai đoạn hành động tiếp theo.
Giai đoạn hành động: Tất cả các lệnh đã đặt sẽ được lật lên, giây phút của sự thật sẽ lộ diện, ai là đồng minh thật sự sẽ được sáng tỏ. Các lệnh sẽ được thực hiện lần lượt theo thứ tự chơi (order of play). Từ đây các trận đánh sẽ xảy ra, khi đó 2 người chơi tham gia sẽ phải cử tướng của mình ra trận (đánh house card) và giải quyết thắng bại bằng cách tính sức mạnh quân đội tổng sau cùng.


Với luật cơ bản của A Game of Thrones, người chơi sẽ thi đấu qua 10 vòng rồi so điểm hoặc cho đến khi 1 gia tộc chiếm được 7 thành (7 điểm) thì sẽ thắng ngay lập tức.
Điểm hay của luật chơi A Game of Thrones là tạo ra và khuyến khích cho các người chơi tương tác tối đa với nhau vì thực tế là không ai sẽ có đủ sức mạnh quân sự để đánh tất cả mọi hướng. Khi đi đánh người khác mà bạn không có đồng minh thì bạn ngay lập tức sẽ bị hở sườn. Tuy nhiên, mọi lời hứa đều không có sự ràng buộc nào nên ngay cả những đồng minh đáng tin cậy nhất cũng có thể sẽ trở mặt ngay khi có cơ hội. Nên bạn hãy coi chừng, vùng đất Westeros nổi tiếng với sự tàn bạo và thâm hiểm, ngay cả với người yêu cũng đừng tin hoàn toàn nhé :).

Thiết kế


Theo Boardgame HUB, A Game of Thrones có thiết kế đẹp “sững sờ”! Bàn game chính lớn và được in rất đẹp, sắc nét. Để chơi A Game of Thrones, bạn sẽ cần 1 bàn rất lớn để có thể có đủ chỗ để bàn chơi chính và các màn chơi cá nhân (player screen) cùng các thành phần khác.


Các quân lính nhựa của A Game of Thrones cũng được thiết kế và sản xuất rất cẩn thận. Các thẻ lệnh bằng giấy bìa cứng đều được in 2 mặt, 1 mặt lệnh và 1 mặt là gia huy của từng gia tộc. Mỗi gia tộc sẽ đi cùng bộ lính, bộ lệnh, bộ tướng lĩnh riêng và được thiết kế rất riêng, đặc trưng tính cách từng gia tộc. Tuy có rất nhiều thành phần nhưng A Game of Thrones lại được sắp xếp khá chuẩn để có thể để vừa trong 1 hộp giấy với kích thước cơ bản của 1 hộp board game (30cm x 30 cm x 7.6cm).
 
Nguồn: BoardgameHub - cám ơn BoardgameHub đã dành thời gian để có được bài Review này :)