• Game hay phụ thuộc người chơi? Ví dụ cùng bình loạn!

    0 comments / Posted on by Breaker Day

    Tại sao chúng ta luôn muốn chơi game cùng một số người?

    Tại sao, cũng cùng một game đó, lần này ta thấy vui, lần sau lại thấy dở?

    Phải chăng game hay / dở cũng tùy thuộc người chơi?

    Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta sẽ đi qua những ví dụ cụ thể, điểm qua vài trường hợp "khúc mắc" trong đời mà Board Gamer luôn gặp phải. Hy vọng ở cuối bài viết, bạn sẽ có cho mình câu trả lời cho câu hỏi: "Board Game có hay do người chơi cùng?"


    1. Giận cá, chém thớt, chém luôn ông bán cá ...

    Trường hợp thực tế: Nam và Bắc là đôi bạn thân. Họ sống với nhau từ nhỏ, coi nhau như anh em, cùng lên Sì Gòn tìm kiếm ước mơ. Họ biết đến Board Game và cảm thấy thích thú với nó. Một ngày nọ, nhóm bạn của họ cùng chơi Catan và Bắc, một cách tàn nhẫn, đã cướp của Nam - một người chơi chủ nghĩa hòa bình - đến 8 lần.

    Dù phẫn uất, nộ hỏa xung thiên nhưng biết Bắc là bạn tốt từng "đồng sinh cộng tử" cùng mình, Nam vẫn bình tĩnh chơi đến hết game và nhẹ nhàng gạch Catan ra khỏi danh sách Board Game chơi hàng tuần, tiện tay "đẩy khéo" Ngây Thơ (người trao đổi rất nhiều cùng Bắc hôm ấy) vào danh sách nhân-vật-đáng-ghét-của-năm. 

    Nỗi khổ không sao tả xiết.

    Bình loạn: Con người thường rất ghét bị công kích.

    Phản ứng bản năng trong mỗi chúng ta thôi thúc việc chống lại người công kích mình. Và nếu bộ não cấp cao từ chối việc coi người phản ứng là kẻ thù, chúng ta sẽ trút giận vào thứ liên hệ nhiều nhất với người đó, và trong trường hợp này là Thơ cùng bộ Catan khốn khổ.

    Xét cả về logic lẫn tâm lý, không ai sai cả. Bắc và Thơ chỉ là muốn thắng còn Nam phản ứng lại rất đơn thuần. Có lẽ thứ đáng trách nhất là bản năng của mỗi chúng ta, khi chúng cứ mãi làm chúng ta vuột mất những khoảng thời gian vui vẻ. Vậy lần sau, nếu bạn là Nam, bạn có thể chọn phản ứng như một người bình thường, hay đối diện vấn đề với phương pháp riêng của bạn!

    Ghét bỏ ít đi, yêu thương nhiều hơn ...

    2. Ấn tượng đầu tiên thường sẽ được "ghim" ở mức độ sâu nhất!

    Trường hợp thực tế: cũng là nhóm bạn của Nam và Bắc, nhưng lần này họ chào đón bạn mới, bạn này tên Thẹn. Buổi tụ tập đầu tiên của mọi người diễn ra khá vui vẻ và mọi người lên lịch cho lần chơi Board Game chính thức sau vài ngày. Háo hức, Thẹn đến chỗ hẹn rất sớm và chờ mong mọi người tới. Tiếc thay, đời thích trêu ngươi, hôm đó mưa tầm tã và sau cả tiếng chờ đợi chỉ có Thơ tới, vác theo một đống lý do của mọi người cùng bộ Mèo nổ lấm tấm nước mưa. 

    Cả năm sau, mọi người vẫn không hiểu vì sao Thẹn ghét Mèo nổ đến vậy...

    "Chúng em nào có tội tình gì, chúng em nào có tội tình chi!" :'(

    Bình loạn: Có lẽ với cả nhóm, hủy một buổi đi chơi khá bình thường. Chỉ đơn giản là tất cả cùng mệt mỏi, không muốn đi. "Đi chơi không vui thì khác gì hành xác." - mọi người nghĩ vậy. Nhưng chúng ta, con người, bị ảnh hưởng rất nặng từ ấn tượng ban đầu. Nếu buổi đầu tiên vui vẻ, ngập tràn tiếng cười, có lẽ nhóm của Bắc và Nam đã bớt đi một câu hỏi khó lòng giải đáp ... và chơi thật nhiều Mèo nổ nữa chứ. Tiếc thay!

    Ấn tượng đầu thường theo chúng ta rất lâu, cũng là một phần trong bản năng sinh tồn nhằm nhận diện và né tránh nguy hiểm. Với Board Game cũng vậy, nhận định của bạn về một trò chơi bị tác động mạnh bởi quá khứ của bạn với nó (hay những thứ gần giống nó - Kitten in a Blender chẳng hạn).

    Hãy nhớ kĩ, dù chúng ta cố gắng đến mức nào đi chăng nữa, ấn tượng luôn ảnh hưởng đến quyết định do con người tạo ra. Vì vậy, hãy cố gắng tạo một ấn tượng thật tốt của bạn mới với Board Game nhé.

    Rất quan trọng đấy

    3/ Từ A sang B, mà B liên quan với C, vậy từ A có suy được C?

    Trường hợp thực tế: thành viên thứ tư trong nhóm Nam và Bắc là Vô Lý. Lý, không biết vì sao, rất ghét cách chơi của Thơ. Một ngày nọ, nghe Thơ khen một Board Game tên là Bang! rất nhiều với cả nhóm. Lý thủ thỉ: "Thà chết cũng không đụng vào Bang!". Và anh ấy quyết định chơi Tam Quốc Chí...

    Thêm một "nạn nhân" xấu số ...

    Bình loạn: Chúng ta nối kết rất nhiều sự vật lại với nhau để giảm tải những vấn đề não bộ cần xử lý. Do đó chúng ta rất dễ nhảy từ kết luận này sang kết luận khác. Như ví dụ trên, có thể Bang! thật sự không dở hơn Chí nhưng Lý đã nhảy thẳng kết luận "Mình không thích Thơ." đến "Mình không thích Bang!", thông qua "cây cầu" bất đắc dĩ ở giữa - đố bạn là ai đấy.

    Với nhiều lần luyện tập, bạn có thể giảm bớt số lần nhảy vọt kết luận thường làm. Việc kết luận nhanh không hẳn là xấu do nhiều trường hợp, tốc độ phản ứng là yếu tố then chốt trong thành công - thất bại. Nhưng với xã hội ngày càng phát triển và rắc rối như một cục len bị đẩy qua đẩy lại bởi một con mèo cáu kỉnh, khả năng cân nhắc và xem xét vấn đề chậm rãi được đề cao khá nhiều.

    Có cả một quyển sách về nó nhé

    Trong Game, việc bình tĩnh và phân tích tình huống như thế này rất quan trọng. Theo kinh nghiệm tự thân, những người càng phân tách rõ đâu là Thơ, đâu là Bang! có xu hướng tận hưởng và yêu thích game hơn những người khác. Nhưng đó cũng chỉ là xu hướng thôi à!


    4. "Cuối cùng thì, liệu người khác có ảnh hưởng đến tôi không, đặc biệt là trong game đấy nhé?"

    Trường hợp thực tế: hãy tạm rời khỏi thế giới của Nam và Bắc một chốc và trở về thế giới thật của chúng ta. Bạn hãy tự hỏi bản thân, có bao giờ tâm trạng hưng phấn của mình bị người khác "chích" đến xì hơi, hay có bữa ủ rũ buồn chán nào sáng sủa hơn nhờ chiến Board Game cùng đám bạn để "bơm" năng lượng? 

    Hãy dừng lại vài phút, nhắm mắt và tự nhớ lại ... không ti hí đấy.

    Con người thường hay quên, rất hay quên

    Nếu bạn nhớ đầy đủ những trường hợp trên thì bạn có một bộ não thật tuyệt vời vì hầu hết những quá trình đó được thực thi một cách âm thầm và lặng lẽ. Đôi khi vui bất chợt, đôi khi buồn vô cớ. Theo một cách nói nào đó, chúng ta xây dựng ký ức, nơi đó chất chứa cảm xúc cùng tình cảm của thực tại rồi cùng nhau bước đến tương lai.

    Và vâng, chúng diễn ra rất nhiều lần trong Game đấy.

    Vâng, khá nhiều lần!

    Bình loạn: Okay, nghe khó hiểu quá. Nhưng bạn có thể hiểu đơn giản đại ý bằng hai câu: "Cảm xúc con người như một con ngựa không cương, hoang dại và khó điều khiển.""Chúng ta, bằng cách này hay cách khác, luôn tác động lên nhau (hay ít nhất là lên lớp vỏ ngoài của cảm xúc)."

    À. Ừ thì ...


    Vậy liệu bạn đã có đáp án cho câu hỏi: "Game hay có phụ thuộc người chơi?" chưa nào...


    ---

    Người viết: Thinker - Board Games Việt

    Có thể bạn muốn đọc:

    [Review] Tam quốc chí nội chiến - Đấu trí, tương tác... hay hơn Bang!?

    [Review] Pandemic - Mổ xẻ một "huyền thoại Co-op" nổi tiếng thế giới

    6 lý do chúng tôi viện đến khi nghe: "Sao mày không bảo quản bộ game?"

    Xem thêm