Cách chơi
[Review] Room 25 - Trò chơi của sự sống còn
Các trò tìm đường quá dễ với bạn? Board Game thám hiểm không làm bạn thấy kịch tính? Thế bạn nghĩ sao về một Board Game nơi mạng sống của bạn luôn trong tình trạng "chỉ mành treo chuông"? Đó là thế giới trong Room 25. 25 căn phòng, 25 lựa chọn, chỉ 1 trong số đó đưa bạn với tự do. Sao, hào hứng chứ?
1. Cốt truyện
Room 25 lấy bối cảnh là một nhà ngục tối tăm. Tại đây, mỗi người chơi phải tìm cách trốn thoát và đến với tự do. Nơi đây chỉ có một lối thoát duy nhất, một đường ra duy nhất và nó nằm ở căn phòng số 25 trong nhà tù. Tìm ra nó và trốn thoát là mục tiêu duy nhất của các tù nhân, nhưng đó không phải là mục tiêu của tất cả. Có những tên canh ngục tàn bạo đang ở đây, tìm cách tiêu diệt và giữ các tù nhân giữa bốn bức tường tù ngục vĩnh viễn.
Các tù nhân có tìm ra cánh cửa hi vọng ấy, hay cai ngục một lần nữa hoàn thành suất sắc nhiệm vụ? Trong nơi tăm tối như nhà giam, sự tin tưởng là thứ sa xỉ nhất con người dành cho nhau!
2. Cách chơi
Mỗi nhân vật có 4 hành động cơ bản. Mỗi người chơi sẽ lần lượt thực hiện hành động của mình, theo thứ tự được quy định vào đầu mỗi vòng. Trước tiên, mỗi người lựa tối đa hai hành động, sắp xếp thứ tự trước - sau và đặt chúng úp xuống. Lần lượt từng người chơi sẽ thực hiện hành động một và hai của mình. Người đó có thể di chuyển khám phá một phòng mới, kích hoạt cơ quan để thay đổi vị trí một dãy phòng, hay nhìn trộm sang căn phòng bên cạnh... Các căn phòng có những chức năng khác nhau và được chia thành 3 loại dựa trên mức độ nguy hiểm của chúng.
Những căn phòng màu xanh lá là nơi an toàn hoặc đem lại lợi thế cho người chơi. Ngược lại, những căn phòng vàng là chỗ bất lợi, làm người chơi gặp khó khăn. Tuy vậy, không đâu nguy hiểm bằng những căn phòng đỏ. Tại đây, một sai lầm có thể khiến người đó mất mạng. Một cái cưa cứa ngang người những kẻ chậm chạp, một bể axit đổ ập lên đầu kẻ cả tin, có nơi bạn chẳng cần làm gì, chỉ cần mở cửa ra là đã nhận được tấm vé một chiều xuống địa ngục... Sai lầm, đôi khi trả giá bằng mạng sống.
Nhận xét cách chơi:
Nhà ngục tối tăm của Room 25 rất hợp với phong cách toan tính, lên kế hoạch của game. Bạn phải cẩn thận tính toán, lên kế hoạch từng đường đi nước bước của mình. Với 3 chế độ chơi, Room 25 sẽ không làm bạn cảm thấy chán khi cứ mỗi lần chơi, một bản đồ mới lại xuất hiện, không cái nào giống cái nào.
"Mình sẽ làm gì? Người khác sẽ làm gì? Mình phải làm gì khi họ làm vậy?" Bạn sẽ luôn phải trả lời các câu hỏi trên. Room 25 không chỉ về khám phá và trốn thoát, nó cũng thách thức khả năng giao tiếp và thuyết phục. Một bộ Board Game với cách chơi khá sáng tạo và hấp dẫn.
3. Thiết kế
Các căn phòng trong Room 25 có hình vuông, làm bằng giấy cứng, in rất chi tiết. Bạn có thể thấy sự tối tăm trong nhà ngục thể hiện trên các thẻ phòng, những bồn vệ sinh nứt vỡ, phòng tắm ngập nước bẩn, một bể axit nổi bong bóng phập phồng... Đồ họa thể hiện trên các thẻ phòng là điểm cộng lớn nhất trong thiết kế game, kết hợp cùng các tượng nhân vật tạo thành một game rất đáng sở hữu.
Thiết kế game bắt mắt, hộp game to, rộng, các thẻ nhân vật chi tiết. Room 25 chỉ thiếu sót chút xíu về các lá hành động cùng thân phận, thật đáng tiếc!
4. Kết luận
Là một bộ game lộng lẫy, cách chơi hay, sáng tạo làm Room 25 thật sự tỏa sáng. Khi các hầm ngục lần lượt hiện lên trước mắt, liệu bạn có đủ bình tĩnh để tìm ra căn phòng tự do đích thực? Nói chuyện, tương tác, thuyết phục. Một Board Game tuyệt vời, đáng giá góp mặt trong kệ game của bạn.
Ưu điểm
- Đồ họa đẹp, chi tiết.
- Giá trị chơi lại cao.
- Pha trộn giữa tính toán, chiến thuật cùng biện luận, giao tiếp.
- Bản đồ luôn thay đổi, giảm độ nhà chán.
Khuyết điểm
- Chuẩn bị khá nhiều vào đầu game.
- Ít vui vẻ, ít tình huống bừa bựa.
- Phải bảo quản kĩ các lá bài để tránh hư game.
Các bạn có thể đến các buổi off của BGV tụi mình để trải nghiệm game miễn phí nhé!
---
Người viết: Day Breaker - Board Games Việt
Có thể bạn muốn xem:
- [Tips] Ma Sói: Quản Trò - Là một quản trò giỏi, bạn phải biết 5 điều sau
- [Review] Bang Dice – Khi Bạn Giải Quyết Mọi Thứ Bằng 6 Viên Xí Ngầu